Lĩnh vực hoạt động
Biểu phí tư vấn
Tư vấn pháp luật
Thống kê
Trực tuyến: 1
Lượt truy cập: 035750
.:.  Vụ việc tư vấn
Án tham nhũng – tử hình là... hết chuyện?!
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Tử hình có nghĩa là hết chuyện, vấn đề đặt ra là làm sao khi xét xử các vụ án tham nhũng, mục tiêu cuối cùng là phải thu hồi tối đa tài sản về cho nhà nước".

Ông Vũ Mão: Xử tham nhũng, quan trọng nhất là phải thu hồi tối đa tài sản về cho nhà nước.
Ông Vũ Mão: "Xử tham nhũng, quan trọng nhất là phải thu hồi tối đa tài sản về cho nhà nước". Ảnh: Phương Thảo.

Qua phiên tòa xử Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, ông đánh giá như thế nào về mức độ của vụ tham nhũng này?

Đây là vụ án rất nghiêm trọng. Những kẻ phạm tội đã lấy của nhà nước một số tiền rất lớn và phần thất thoát trong quản lí cũng vô cùng lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận xã hội lên án kịch liệt và không thể chấp nhận tình trạng đó.

Tại phiên tòa xét xử, trong phần thẩm vấn, các bị cáo chỉ nhận lỗi một phần và chối phần nhiều, đồng thời đổ lỗi cho nhau. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Bao giờ kẻ phạm tội cũng chối cãi tội để hạ thấp nhất mức độ vi phạm của mình. Cũng có thể các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra còn chỗ nào đó chưa thật sự chặt chẽ. Vì vậy cơ quan điều tra cần làm rõ, minh bạch quá trình phạm tội của các bị can, bị cáo. Nếu điều nào chưa rõ, chưa chắc chắn thì phải điều tra bổ sung. Phải đưa ra những cáo buộc thật sự thuyết phục, để cho các bị can, bị cáo tâm phục khẩu phục.

Hội đồng xét xử tòa tuyên 2 án tử hình dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, các bị cáo còn lại cũng chịu mức án từ 7-22 năm tù giam. Ông đánh giá thế nào về những bản án này?

Với những tội lỗi nghiêm trọng như vậy thì việc VKS đề nghị Tòa tuyên án tử hình là hoàn toàn đúng. Nhưng theo quy định của pháp luật, họ còn được kháng án.

Lâu nay có một số vụ được giảm từ tử hình xuống chung thân khi xử phúc thẩm. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, việc giảm án đó vẫn chỉ mang tính “nhân đạo” và rất “hành chính”. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì nó không gắn với việc đòi hỏi đương sự phải có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan hữu quan trong việc quyết liệt thu hồi tài sản nhà nước đã bị thất thoát.

Trước đây những vụ án kinh tế thường bị bị hình sự hóa, kẻ phạm tội bị tử hình nhưng tài sản của Nhà nước thì bị mất mát ở ba góc độ.

Trước hết, những tài sản mà kẻ phạm tội tham ô thì không thu lại được bao nhiêu.

Hai là, không làm rõ hết những cán bộ cấp trên liên đới trách nhiệm và liên đới tham nhũng tiền của mà họ được hưởng. Như thế thì họ “ăn ngon” quá, họ mừng vui vì được “hạ cánh” an toàn.

Ba là, mọi chuyện bị bỏ qua, không ai chỉ đạo để rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý, cho việc thay đổi cơ chế và luật pháp đã lỗi thời.

Nếu chúng ta đặt nặng về bản án tử hình thì tài sản nhà nước sẽ khó thu hồi được ở mức tối đa. Bị cáo chết là hết chuyện.

Điển hình là vụ án Tăng Minh Phụng. Đau xót nhất là những tài sản bị kê biên, bị định giá vô tội vạ, không đúng với giá trị thật. Rồi việc thanh lý không minh bạch, chỉ một số quan chức được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Họ là những kẻ ăn trên ngồi trốc. Còn Nhà nước thì chẳng được gì. Bài học này cay đắng lắm!

Những năm gần đây, từ thực tiễn, chúng ta đã có nhận thức mới là không nên hình sự hóa các vụ án kinh tế. Trong quan điểm xét xử, điều quan trọng là phải làm sao thu hồi được tối đa tải sản của Nhà nước.

Dương Chí Dũng và vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Tổng Cty Vinalines.
Dương Chí Dũng và vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Tổng Cty Vinalines.

Theo ông, các quy định pháp luật cần được thay đổi, bổ sung theo hướng nào để có thể thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước đã bị làm thiệt hại, thất thoát vì tham nhũng?

Theo tôi, có mấy việc cần làm như sau. Một là, cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành. Hiện nay các văn bản này còn đơn giản quá, không đủ rõ nên gây khó khăn cho quá trình xét xử.

Hai là, cần bổ sung nội dung và quy trình xét xử để buộc kẻ phạm tội có trách nhiệm cao nhất trong việc khắc phục hậu quả, trả lại cho Nhà nước tối đa những tài sản bị họ chiếm đoạt bằng nhiều hình thức ma quái.

Ba là, những kẻ phạm tội mà chịu mức án tử hình thì cần bổ sung một nội dung quan trọng là xem xét quãng thời gian thi hành án tử hình để cho kẻ phạm tội có thời gian hối cải, khai báo đầy đủ, chân thành góp phần khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Nếu làm được như thế thì kẻ phạm tội sẽ được giảm xuống chung thân cũng là điều hợp lý.

Bốn là, cần có quy định để làm rõ trách nhiệm của cơ quan và cán bộ quản lý cấp trên của kẻ phạm tội. Những người liên đới trách nhiệm cũng phải chịu những hình thức kỷ luật thỏa đáng.
 
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đến dự phiên tòa xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Đó là việc làm tự nhiên. Trưởng ban Nội chính với chức năng và trọng trách của mình đến để quan sát, tìm hiểu, qua đó nắm được sâu sắc về vụ án và về quy trình xét xử là tốt. Ông ấy không xuất hiện chính thức và không làm gì ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án là đúng. Tôi mong ông Thanh nên có những nhận xét của mình về vụ án, rút ra những bài học cho công tác Đảng là rất cần thiết. Tôi cũng muốn ông Thanh trao đổi về những ý kiến của tôi vừa nêu ở trên. Theo tôi, chúng ta rất cần làm rõ những vấn đề mà lâu nay chưa sáng tỏ. Chính điều đó sẽ góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Qua vụ việc Vinalines, nhiều người cho rằng còn nhiều lỗ hổng ở các doanh nghiệp nhà nước mà nếu không bịt được, sẽ còn những đại án khác xuất hiện?

Theo tôi vấn đề cơ bản nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước còn chịu ảnh hưởng nhiều của những cơ chế cũ. Trong thời kỳ kháng chiến thì doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Dương Chí Dũng và bộ sậu chờ tuyên án.
Dương Chí Dũng và "bộ sậu" chờ tuyên án.

Hiện nay, chúng ta đã chấp nhận xây dựng và phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì buộc các doanh nghiệp nhà nước phải được tổ chức theo mô hình cơ chế thị trường.

Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì tôi tin chắc rằng họ sẽ đi đến cùng trách nhiệm. Còn doanh nghiệp nhà nước thì vẫn theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Những vị lãnh đạo đó lên nắm giữ quyền một thời gian, hết khóa là nghỉ. Vì vậy họ tìm cách vơ vét đến khi nghỉ hưu. Hạ cánh rất an toàn! Người này nghỉ, người khác lên thay và lại thế.

Nhà nước không nên “ôm ấp và vỗ về” các doanh nghiệp nhà nước một cách quá đáng như vừa qua. Cần phải kiên quyết và nhanh chóng cơ cấu lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp liên quan đến nhà nước, nhưng đừng để mất mát quá nhiều tài sản, tiền của Nhà nước như vừa qua.

Thưa ông, vấn đề kê khai tài sản có vai trò gì đến việc phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước nói riêng và trong xã hội nói chung?

Vấn đề kê khai tài sản là rất quan trọng và rất đáng quan tâm. Xét cho cùng tham nhũng cũng là mang tài sản, lợi ích chung về cho riêng bản thân mình. Lâu nay việc kê khai tài sản mang tính hình thức, không có tác dụng phòng, chống tham nhũng.

Tôi cho rằng kê khai tài sản (theo nghĩa rộng) phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của phòng, chống tham những. Vì thế cần có Luật kê khai tài sản với các nội dung cụ thể. Một là, bản kê khaitài sản hiện có và làm rõ nguồn gốc. Lưu ý rằng, không ít người đã “biến hoá” cho con cháu, người thân đứng tên. Phải đi đến cùng vấn đề này.

Hai là, bản xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Việc này, lâu nay làm rất đại khái.

Ba là, hàng năm đề phải có bản kê khai bổ sung tài sản và có xác nhận.

Nếu làm tốt việc kế khai tài sản, giám sát kiểm tra tốt về nguồn gốc tài sản thì sẽ góp phần quan trọng vào việc tham nhũng.

 

Xin cảm ơn ông!

Theo Dantri

Hỗ trợ trực tuyến
0775.911.685
Quảng cáo
Tư vấn luật đất đai Sàn giao dịch Bất động sản QC 4